Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Nhiều người trẻ hỏng khớp vì lạm dụng thuốc lá, rượu bia

2024-03-11 17:57:00.0

"Hai năm nay tôi không đi làm được, chân bên phải cũng bắt đầu đau nhưng không đủ trăm triệu đồng để mổ", bệnh nhân nói, ngày 8/3, khi khám tại Bệnh viện Quân y 175 trong đợt Tổ chức Operation Walk Chicago (OWC) đến viện mổ thay khớp háng miễn phí cho hơn 50 bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn. Đây là tổ chức nhân đạo về phẫu thuật thay khớp, thành lập năm 1996 tại Mỹ, đến nay đã mổ hàng nghìn bệnh nhân khắp thế giới.

TS.BS Phan Đình Mừng, Phó giám đốc Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175, cho biết phần lớn bệnh nhân thay khớp háng lần này bị hoại tử chỏm xương đùi và hơn 50% là người trẻ tuổi.

Trẻ nhất là bệnh nhân 25 tuổi, ngụ Cà Mau, đau nhức chân hơn một năm nay, đi lại khó khăn. Anh phát hiện bệnh muộn, không đủ tiền mổ, chỉ uống thuốc giảm đau nên tình trạng ngày càng nặng, không thể ngồi được.

Hoại tử chỏm xương đùi xảy ra do sự gián đoạn cung cấp máu đến đầu trên xương đùi, lâu dần gây mất chức năng khớp háng dẫn đến tàn phế. Bệnh còn do chấn thương, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, bệnh lý tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, lạm dụng các thuốc có chứa corticoid, bệnh nghề nghiệp như thợ lặn...

"Bệnh gia tăng ở người trẻ là điều đáng lo ngại, đặc biệt là những người hút thuốc lá, uống rượu hoặc ít vận động", bác sĩ Mừng nói. Ngoài ra, sử dụng không đúng các thuốc giảm đau có chứa corticoid trong thời gian dài cũng gây loãng xương, mất xương, thoái hóa khớp nặng phải thay khớp.

Theo bác sĩ Võ Phúc, phẫu thuật viên chấn thương chỉnh hình tại Mỹ, thành viên đoàn OWC, sau 3 lần phối hợp Bệnh viện Quân y 175 mổ thay khớp miễn phí trong 5 năm qua, ông nhận thấy bệnh nhân ngày càng trẻ.

"Ở Mỹ, bệnh nhân mổ khớp háng thường từ 60 tuổi trở lên, trong khi bệnh nhân ở đây 30-50 tuổi ngày càng nhiều", bác sĩ Phúc nói, thêm rằng "khả năng do giới trẻ Việt Nam uống rượu bia nhiều hơn". Hút thuốc lá và uống rượu bia lâu ngày dễ dẫn đến tắc các mao mạch nuôi chỏm xương đùi, từ đó gây thiếu máu và hoại tử.

Bác sĩ Phúc đang cùng đồng nghiệp nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân hoại tử chỏm xương đùi ngày càng trẻ hóa, góp phần ngăn ngừa, giúp người trẻ tránh nguy cơ tàn phế.

Bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 phối hợp Tổ chức Operation Walk Chicago mổ thay khớp háng miễn phí cho bệnh nhân, ngày 8/3. Ảnh: Trần Chính

 

Tùy từng giai đoạn bệnh, tổn thương ở mức độ nào mà bác sĩ có phương pháp điều trị phù hợp. Giai đoạn sớm có thể điều trị bảo tồn được chỏm xương đùi bằng cách từ bỏ các thói quen gây bệnh, dùng thuốc giúp tăng nguồn mạch máu nuôi, vật lý trị liệu, giải áp chỏm xương đùi... Giai đoạn muộn, bệnh nhân phải phẫu thuật thay khớp háng. Do đó, người bệnh nên sớm đi khám nếu có các dấu hiệu như đau nhức khớp háng.

Bệnh lý khớp háng nếu không xử trí kịp thời, chỏm xương đùi xẹp lại, chân bị thu ngắn, khung xương thay đổi, lệch trục sẽ dẫn đến thoái khóa khớp háng bên còn lại. Các khớp lân cận cũng bị ảnh hưởng, dễ gây thoái hoá cột sống, thoái hóa khớp gối. Hầu hết bệnh nhân sau mổ thay khớp háng và tập phục hồi chức năng, có thể trở lại hoạt động lao động và sinh hoạt bình thường. Hiện, mỗi ca mổ tốn khoảng 100 triệu đồng.

Bác sĩ Mừng khuyến cáo mọi người hạn chế tối đa rượu bia, bỏ thuốc lá. Sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế, không lạm dụng thuốc có chứa corticoid. Kiểm soát tốt các bệnh nội khoa như kiểm soát huyết áp, đường huyết, lipid máu... Không lạm dụng thuốc có chứa corticoid, sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

Người làm nghề lặn sâu cần có thời gian lên bờ nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi, bởi khi lặn kéo dài liên tục có thể khiến cổ xương đùi thiếu máu nuôi, dẫn đến hoại tử chỏm xương đùi.

Như người đàn ông trên, sau ca mổ thay khớp, cho biết sẽ cố gắng bỏ thuốc lá, sống lành mạnh hơn để khỏe trở lại.


vnexpress.net

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2247908