Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Thủ tướng: Mỗi Bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số

2024-04-25 07:33:00.0

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban. Ảnh: VGP.

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các Bộ, ngành, địa phương, các chủ thể liên quan; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

"Chuyển đổi số đã 'đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người', chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng chỉ rõ việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Việc ban hành kế hoạch hoạt động của Ủy ban còn chậm. Chưa có cơ chế hiệu quả để kiểm tra, giám sát, theo dõi, tổng hợp, đánh giá việc triển khai công tác chuyển đổi số tại bộ, ngành, địa phương.

"Nhiều lãnh đạo các ban, Bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số. Bộ, ngành nào mà Bộ trưởng, Thứ trưởng quan tâm tới chuyển đổi số thì kết quả khác ngay, điển hình như Bộ Công an, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các cơ quan khác", Thủ tướng phát biểu.

Mỗi Bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số
Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh".

"3 tăng cường" gồm: Tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số tới từng người dân, doanh nghiệp và nhất là người đứng đầu; tăng cường tiềm lực cho chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên bố trí nguồn lực; tăng cường hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt và huy động mọi nguồn lực xã hội.

"5 đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, lập nghiệp trong chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh an ninh mạng, an toàn thông tin để quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa.

"Mỗi Bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số như Bộ Công an đã làm và kết nối với Đề án 06", Thủ tướng yêu cầu và giao Bộ Công an phổ biến kinh nghiệm.


Thủ tướng yêu cầu mỗi Bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số. Ảnh: VGP.

Về quan điểm phát triển kinh tế số, Thủ tướng nêu rõ, phải bám sát tình hình thực tế, quán triệt, hiện thực hoá, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy chuyển số quốc gia nói chung, phát triển kinh tế số nói riêng thực chất, hiệu quả. Huy động sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Phát triển kinh tế số là đòi hỏi khách quan, yêu cầu bắt buộc trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Phát triển kinh tế số phải gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Phát triển kinh tế số là một quá trình liên tục, bền bỉ, không ngừng nghỉ, không có điểm dừng; phải đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược, tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công tư để bắt cùng, tiến kịp và vượt lên so với khu vực, thế giới.

Phát triển kinh tế số phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ hiện đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Phát triển kinh tế số một cách tổng thể, toàn diện, ưu tiên chất lượng hơn số lượng; kết hợp đồng bộ, hiệu quả phát triển hạ tầng số, dịch vụ số, dữ liệu số, kỹ năng số, thể chế số và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.


nongnghiep.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2247912