Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Hội nghị trực tuyến Tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021

2020-12-24 20:25:00.0

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số sở, ngành và đơn vị liên quan.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi và thị trường tiêu thụ nông sản có chiều hướng giảm, các loại hình thiên tai xảy ra ở cả 3 miền…Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cả nước vẫn hoàn thành kế hoạch và chỉ tiêu đề ra, trong đó, giá trị sản xuất toàn ngành dự kiến tăng 2,75% so với năm 2019; trong đó nông nghiệp tăng 2,7%, lâm nghiệp tăng 2,4%, thuỷ sản tăng 3,3%; GDP toàn ngành dự kiến tăng 2,65%. Tỷ lệ che phủ rừng là 42%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 62%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 41,2 tỷ USD.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất; phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản trong nước và xuất khẩu; phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thuỷ lợi và phòng, chống thiên tai; tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu…

Tại tỉnh Thái Nguyên, năm 2020, việc triển khai kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn do thời tiết diễn biến có nhiều bất thường, cực đoan, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tiêu thụ nông sản. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện phương án sản xuất năm 2020 từ rất sớm; với sự nỗ lực cố gắng, chủ động nắm bắt tiến độ, chỉ đạo kịp thời triển khai kế hoạch của UBND tỉnh, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt trên 14 nghìn tỷ đồng, tăng 3,94% so với cùng kỳ (kế hoạch 3,5%); giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt 110 triệu đồng/ha, đạt 106,8% kế hoạch; số lượng thực phẩm có hạt cả năm đạt 458,4 nghìn tấn, đạt 104.6% kế hoạch; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt kế hoạch đề ra là 95%; có thêm 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 350% kế hoạch; 51 sản phẩm nông nghiệp được đánh giá, xếp hạng OCOP đạt từ 3-4 sao (vượt mục tiêu, kế hoạch 26 sản phẩm)…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng năm 2020; tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại như tăng trưởng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thực sự bền vững, nhất là khi chịu tác động của các cú sốc thiên tai, dịch bệnh; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, giao thông nông thôn còn nhiều bất cập so với yêu cầu; thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp so với khu vực thành thị; lao động nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lao động xã hội. Đồng thời, Thủ tướng chỉ ra một số giải pháp mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải thực hiện trong thời gian tới đó là: Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để tái cơ cấu lại ngành thiết thực, hiệu quả hơn; phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và xuất khẩu; tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên; tăng cường năng lực khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, sẵn sàng ứng phó với thời tiết phức tạp…

 

Thanh Thủy
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2248068