Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ tháng 8

2017-08-25 10:58:00.0

Ngày 25/8, UBND tỉnh tổ chức tiếp công dân định kỳ tháng 8 năm 2017, giải quyết kiến nghị, phản ánh của các công dân thành phố Thái Nguyên, huyện Phú Bình và huyện Phú Lương. Thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Cao Minh Luận, Phó Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì phiên tiếp.

Vụ việc thứ nhất, theo công dân trình bày: 12 hộ dân xóm 12, xã Phúc Hà, thành phố Thái Nguyên (bao gồm các hộ ông, bà: Đặng Ngọc Bẩy, Nguyễn Văn Hồng, Phan Thị Xuân, Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Thị Lương, Đặng Thị Thúy, Đặng Thị Kim Dung, Lưu Mạnh Tiến, Nguyễn Thị Hậu, Lưu Mạnh Hà, Phùng Văn Hải, Nguyễn Thanh Trường) đã sinh sống nhiều năm ở cách chân bãi thải và bờ moong sản xuất khai thác than của Công ty Than Khánh Hòa khoảng 50m. Hàng ngày, Công ty Than Khánh Hòa sản xuất khai thác than 3 ca, các loại xe, máy móc có trọng tải lớn (trên 100 tấn) đi lại lên bãi thải trước cửa nhà của các hộ dân gây ô nhiễm môi trường và rung động nhà cửa, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Từ khi Công ty mở rộng moong về phía Tây Nam, thì xuất hiện nhiều vết nứt chạy dọc đường bê tông, gây nứt tường nhà nghiêm trọng và sụt lún một số chỗ, rất nguy hiểm tính mạng và tài sản của người dân, nhất là trong mùa mưa bão. Các hộ dân đã có ý kiến đề nghị, tuy nhiên cho đến nay Công ty vẫn chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm. Do vậy, các hộ dân có đơn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết vấn đề trên để đảm bảo ổn định đời sống, an toàn cho các hộ dân.

Công dân xã Phúc Hà, thành phố Thái Nguyên trình bày nội dung khiếu nại tại phiên tiếp công dân

Vụ việc thứ hai, công dân Vũ Quốc Khương, xóm Núi, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình phản ánh: Năm 2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3286/QĐ-UBND về việc đầu tư xây dựng công trình đường nối Quốc lộ 37 - Quốc lộ 3 mới trên địa bàn huyện Phú Bình với quy mô mặt cắt ngang (lộ giới) 120m. Ngày 19/10/2010, UBND huyện Phú Bình ban hành Quyết định số 3344/QĐ-UBND thu hồi đất của gia đình ông để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình đường nối Quốc lộ 37- Quốc lộ 3 mới. Ngày 21/6/2011, UBND tỉnh có văn bản số 962/UBND-SXKD đã điều chỉnh quy hoạch xây dựng công trình đường nối Quốc lộ 37-Quốc lộ 3 mới đoạn từ Quốc lộ 37 đến bờ Sông Cầu từ lộ giới 120m xuống còn 41m. Ông đã làm đơn đề nghị UBND huyện Phú Bình xem xét, giải quyết việc dự án đường 120m thu hẹp xuống còn 41m có lấy đất của gia đình ông nữa hay không để gia đình tiếp tục đầu tư sản xuất, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ông đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Phú Bình có văn bản trả lời rõ ràng về vấn đề này với công dân.

Vụ việc thứ ba, các công dân ở Tiểu khu Dương Tự Minh, thị trấn Đu, huyện Phú Lương phản ánh: 06 hộ gia đình của các ông, bà Nguyễn Thành Chung, Vũ Tiến Hợi, Trịnh Quang Thẩm, Trần Thị Bé, Trần Đình Hùng, Đàm Thị Chính An được Nông trường Phú Lương (nay là Công ty TNHH NN MTV Phú Lương) cấp đất làm nhà ở từ năm 1990 đến nay (không có tranh chấp, có ranh giới rõ ràng). Ngày 23/01/2014, các hộ gia đình đã làm thủ tục, hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gửi UBND thị trấn Đu, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được Cấp Giấy chứng nhận. Các hộ dân phản ánh, ngày 13/3/2017, các hộ dân nhận được Công văn số 262/UBND-TNMT của UBND huyện Phú Lương với nội dung là 06 hộ dân phải nộp tiền sử dụng đất khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các hộ dân cho rằng công văn của UBND huyện Phú Lương yêu cầu các hộ dân phải nộp tiền là không đúng với quy định pháp luật.

Vụ việc thứ tư, các công dân ở thành phố Thái Nguyên, bao gồm: Đoàn Văn Thắng, tổ 8, Đoàn Xuân Sơ, tổ 22, phường Hoàng Văn Thụ và Hoàng Thị Thể, tổ 11, phường Tân Lập phản ánh: Năm 2008, ông Thắng, ông Thụ và bà Thể ký hợp đồng với Trại giam Phú Sơn 4 để sản xuất gạch nung, đầu tư nhiều tài sản để xây dựng nhà xưởng, công trình cho phạm nhân làm việc. Ngày 24/01/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 164/QĐ-UBND về việc phê duyệt lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng, lò liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Đồng Hỷ có văn bản yêu cầu Trại giam Phú Sơn 4 chấm dứt mọi hoạt động sản xuất gạch và xóa bỏ lò gạch kể từ ngày 14/6/2013. Năm 2014, UBND huyện Đồng Hỷ có quyết định thu hồi đất của các hộ dân để thực hiện Dự án khai thác mỏ đất sét Theo Cầy tại xã Minh Lập và xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ. Các ông, bà đã chấp hành, tuy nhiên ông Thắng, ông Sơ và bà Thể cho rằng việc bồi thường, hỗ trợ các thiệt hại về giá trị quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh, thu nhập từ việc sản xuất gạch, tài sản đầu tư trên đất để sản xuất gạch, tiền mua sắm thiết bị, nguyên vật liệu, chất đốt... chưa được thỏa đáng.

Sau khi nghe ý kiến kiến nghị, phản ánh của các công dân và ý kiến giải trình của các địa phương, các ngành chức năng, đồng chí Cao Minh Luận, Phó Chánh Thanh tra tỉnh kết luận như sau: Đối với kiến nghị của 12 hộ dân xóm 12, xã Phúc Hà, thành phố Thái Nguyên đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Công thương, Sở Xây dựng và UBND thành phố Thái Nguyên thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra đánh giá tác động, ảnh hưởng của Công ty Than Khánh Hòa đối với các hộ dân, báo cáo UBND tỉnh hướng giải quyết trước ngày 15/9; đối với kiến nghị của ông Vũ Quốc Khương, xóm Núi, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình đề nghị UBND huyện Phú Bình xem xét, trả lời công dân; về kiến nghị của các hộ dân Tiểu khu Dương Tự Minh, thị trấn Đu, huyện Phú Lương giao Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ các quy định của pháp luật, có văn bản trả lời công dân trước ngày 25/9; về kiến nghị của 03 công dân thành phố Thái Nguyên, đề nghị UBND huyện Đồng Hỷ có văn bản trả lời.


Nguồn: thainguyen.gov.vn
Tác giả: Kim Oanh



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2248090